Chúng ta thường làm gì khi buồn, cô đơn, căng thẳng, giận dữ?
Nếu có thực tập, chúng ta sẽ chọn các hoạt động lành mạnh như hít thở, đi bộ, uống nước, ngồi thiền… để đối diện và điều chỉnh cảm xúc.
Nếu không thực tập, ta thường tìm tới người khác để tâm sự, chia sẻ. Ta cũng có thể chạy trốn bằng cách tìm tới với phim ảnh, mua sắm…. hoặc cũng có thể trút lên một ai đó khác.
Còn với cảm xúc khó khăn của người khác thì sao?
Đối diện với những cảm xúc khó khăn của bản thân đã khó. Đối diện với cảm xúc của người khác có thể là thử thách gấp bội. Nhưng nó cũng đi kèm những món quà lớn lao.
“Tha nhân là địa ngục” (Hell is other people) là câu nói nổi tiếng của triết gia Jean Paul Sartre.
Tuy vậy, với khả năng đồng cảm, ta hoàn toàn có thể mang thêm những màu sắc mới vào cuộc sống của người khác.
Đồng cảm là không gian của sự chấp nhận, nuôi dưỡng mà ta tạo ra để người khác được thoải mái thể hiện cảm xúc. Dù là niềm vui tột độ hay đau khổ khôn cùng.
Đồng cảm là những giây phút chậm lại và suy nghĩ thật đấu đáo về lý do đằng sau những hành động, cảm xúc của người khác. Đồng cảm khiến họ cảm thấy được hiểu, được lắng nghe.
Đồng cảm cũng là giây phút ta quay lại với chính mình. Giữ được sự vững vàng của bản thân để làm điểm tựa cho người khác.
Đồng cảm vừa là siêu năng lực, vừa là món quà vô giá mà bạn có thể trao tặng chính mình, cho người mình yêu quý. Liệu bạn có muốn mở món quà này?